Cá nhân rút vốn có phải nộp thuế TNCN không?
Khi rút vốn, cổ phần đầu tư khỏi dự án kinh doanh, người đầu tư sẽ có thể thu về một khoản tiền. Trong trường hợp này, người rút vốn có phải nộp thuế TNCN hay không và nộp với thuế suất như thế nào? Mời quý khách tham khảo bài viết dưới đây và tìm hiểu thêm về các quy định liên quan.
1. Cá nhân rút vốn có phải nộp thuế TNCN không?
Để tìm hiểu về vấn đề này, trước tiên chúng ta cùng tham khảo các quy định về luật thuế TNCN cũng như các quy định về chuyển nhượng vốn, cổ phần trong kinh doanh.
Rút vốn khỏi hoạt động kinh doanh có cần nộp thuế TNCN?
1.1. Quy định đối tượng đóng thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân được đánh trực tiếp vào các khoản thu nhập cá nhân được hưởng như: tiền lương/tiền công, đầu tư, kinh doanh, trúng thưởng, chuyển nhượng vốn,... và nhiều khoản khác
Theo quy định của Điều 2, Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, người phải chịu trách nhiệm nộp thuế TNCN là cá nhân cư trú, bao gồm cá nhân có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cũng như cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú được xác định dựa trên một số điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, người đó đã có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
- Thứ hai, người đó có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm việc đăng ký địa chỉ thường trú hoặc có hợp đồng thuê nhà ở Việt Nam có thời hạn.
Còn lại, cá nhân không cư trú là những người không đáp ứng được các điều kiện của cá nhân cư trú.
Do vậy, nếu bạn là một cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, đã đăng ký địa chỉ thường trú hoặc thuê nhà theo hợp đồng có thời hạn và có thu nhập phát sinh, bạn sẽ được coi là đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành.
>> Tham khảo: Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế TNCN.
1.2. Quy định chuyển nhượng cổ phần, rút vốn góp
Theo quy định trong Thông tư 111/2013/TT-BTC, đã được sửa đổi bởi Thông tư 25/2018/TT-BTC, thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm các trường hợp sau đây:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong các loại công ty như công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty TNHH một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, của Luật Chứng khoán. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần, áp dụng quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Luật Chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn theo các hình thức khác.
Với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, rút vốn hoặc cổ phần theo quy định trên, cá nhân phải thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, để xác định số thuế phải nộp cụ thể cho từng trường hợp, cần phải căn cứ vào một số yếu tố khác để xác định.
2. Xác định số thuế phải nộp
Thu nhập tính thuế và thuế suất khi rút vốn là bao nhiêu?
2.1. Xác định thu nhập đóng thuế khi rút vốn
Để xác định thu nhập tính thuế với trường hợp rút vốn khỏi hoạt động kinh doanh, ta có thể tham khảo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
“1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.
a) Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.
a.1) Giá chuyển nhượng
Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.
Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan Thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
a.2) Giá mua
Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.
Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:
a.2.1) Đối với phần vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ.
a.2.2) Đối với phần vốn góp bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ.
a.2.3) Đối với phần vốn do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế .
a.2.4) Đối với phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.
a.3) Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:
a.3.1) Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.
a.3.2) Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng.
a.3.3) Các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn.”
Như vậy, phần thu nhập bị tính thuế khi cá nhân rút vốn ra khỏi hoạt động kinh doanh chỉ là phần giá trị tăng lên (nếu có) của phần vốn đó sau khi đã trừ đi các chi phí.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Phần mềm hóa đơn điện tử.
2.2. Thời điểm xác định
Về thời điểm để xác định khoản thu nhập tính thuế, có thể căn cứ vào thời điểm mà hợp đồng rút vốn, có hiệu lực.
2.3. Công thức tính thuế TNCN rút vốn cổ phần
Cũng theo quy định tại Điều 11, Thông tư 111/2013/TT-BTC, ta có mức thuế suất được áp dụng cố định cho loại thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp là 20% theo biểu thuế toàn phần.
Từ đó, công thức để tính thuế TNCN khi rút vốn là:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 20%
Trong đó:
Thu nhập tính thuế = Giá bán - Giá vốn - Chi phí hợp lý liên quan.
3. Nộp hồ sơ khai thuế
Thủ tục và hồ sơ nộp thuế TNCN khi rút vốn.
Khi đã xác định được số tiền thuế TNCN phải nộp, việc tiếp theo mà cá nhân cần thực hiện là kê khai khoản thu nhập này với cơ quan Thuế.
3.1. Mẫu hồ sơ khai thuế TNCN rút vốn
Theo Điểm h, Khoản 5, Điều 7 và Điểm g, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về hồ sơ khai thuế TNCN khi rút vốn:
“Hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp do cá nhân trực tiếp khai thuế và tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân gồm:
- Tờ khai thuế TNCN Mẫu 04/CNV-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92.
- Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
- Chứng từ thanh toán.
- Tài liệu xác định trị giá vốn góp theo sổ sách kế toán.
- Giấy CMND/CCCD của người bán.
- Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.”
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, cá nhân rút vốn hoặc doanh nghiệp nộp thay sẽ gửi tới cơ quan Thuế quản lý doanh nghiệp đó.
>> Tham khảo: Báo giá phần mềm ECN.
3.2. Thời hạn nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân rút vốn
Cá nhân thực hiện khai thuế TNCN đối với phần tiền rút vốn chậm nhất là 10 ngày kể từ khi hợp đồng rút vốn có hiệu lực.
Trong trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân rút vốn thì cần nộp hồ sơ khai thuế lên cơ quan Thuế trước thời điểm thay đổi danh sách thành viên góp vốn.
Tổng kết lại, cá nhân rút vốn phải nộp thuế TNCN trong trường hợp giá trị của phần vốn tại thời điểm rút cao hơn giá trị phần vốn góp ban đầu (sau khi trừ chi phí). Hy vọng những thông tin quy định và hướng dẫn do ECN tổng hợp trên đây sẽ hữu ích với quý khách.
Ngoài ra, Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về phần mềm ECN - Chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử của Thaison Soft vui lòng liên hệ:
Hotline trung tâm hỗ trợ 24/7
- Miền Bắc: 1900 4767
- Miền Trung, Miền Nam: 1900 4768