Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh là những thu nhập nào?

Bởi: ecn.net.vn - 10/07/2025 Lượt xem: 25 Cỡ chữ tru cong

Trong cơ cấu các nguồn thu nhập chịu thuế TNCN thì thu nhập từ hoạt động kinh doanh đóng một phần quan trọng. Tuy nhiên, thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh là những thu nhập nào? Việc xác định chính xác các loại thu nhập này là vô cùng cần thiết để cá nhân kinh doanh thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, tránh các rủi ro pháp lý không đáng có.

Mục lục [Ẩn/Hiện]

1. Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh là gì?

2. Các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh

3. Chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN

Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh
Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh

1. Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh là gì?

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ kinh doanh được hiểu là toàn bộ các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh doanh khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ tài chính. 

Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của cá nhân trừ đi các chi phí hợp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.

2. Các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh

Không phải loại thu nhập nào từ kinh doanh cũng là thu nhập chịu thuế TNCN. Các khoản thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh được xác định căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, các khoản thu nhập này được chia thành 3 nhóm chính.

Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh
Thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh

2.1 Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực quy định

Nhóm thu nhập chịu thuế TNCN từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật gồm:

  • Sản xuất, kinh doanh hàng hóa: Thu nhập từ cửa hàng tạp hóa, từ bán đồ thủ công mỹ nghệ tự làm, shop thời trang, kinh doanh online các mặt hàng tiêu dùng, đồ gia dụng…
  • Kinh doanh dịch vụ: Thu nhập từ dịch vụ tư vấn, dịch vụ sửa chữa, dịch vụ vận tải, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ giáo dục (ngoài trường học)...
  • Xây dựng: Thu nhập từ việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa,... của cá nhân hoặc nhóm cá nhân không thành lập doanh nghiệp.
  • Vận tải: Tiền thu được từ việc kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng các phương tiện cá nhân.
  • Kinh doanh ăn uống: Tiền từ bán nước, bán bánh, các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến khác.
  • Kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà: Tiền cho thuê nhà ở, nhà kinh doanh, bao gồm cả tiền thu được từ quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác.

2.2 Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập thuộc thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh

Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

Thu nhập từ hoạt động khám chữa bệnh tại nhà phải chịu thuế TNCN
Thu nhập từ hoạt động khám chữa bệnh tại nhà phải chịu thuế TNCN

Ví dụ:

  • Thu nhập từ hoạt động khám chữa bệnh của bác sĩ.
  • Thu nhập từ hoạt động thẩm mỹ như xăm mày, môi.
  • Thu nhập từ dịch vụ kiểm toán cho doanh nghiệp.
  • Thu nhập từ việc làm luật sư trong các vụ tranh chấp tài sản, án hình sự.

2.3 Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khác

Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế (hướng dẫn tại Điểm e, Khoản 1, Điều 3 Thông tư  111/2013/TT-BTC).

Ví dụ:

  • Thu nhập từ việc bán chả mực, chả cá, nước mắm.
  • Thu nhập từ việc bán các loại thực phẩm từ nông sản đã qua chế biến kỹ lưỡng như: bánh sầu riêng, xôi ngũ sắc, nước tương.

3. Chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNCN

Khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được trừ các khoản chi phí thực tế phát sinh. Các khoản chi phí này là chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật. 

Các khoản chi phí được trừ phổ biến gồm:

  • Chi phí mua nguyên vật liệu, hàng hóa.
  • Chi phí mua máy móc thiết bị sản xuất.
  • Chi phí nhân công trực tiếp.
  • Chi phí thuê mặt bằng, điện, nước.
  • Chi phí khấu hao tài sản cố định sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
  • Chi phí quản lý kinh doanh.
  • Các khoản thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Việc hiểu rõ thu nhập chịu thuế TNCN từ kinh doanh là những thu nhập nào giúp cá nhân có thể xác định chính xác khoản thuế TNCN từ mà mình cần nộp. Mỗi cá nhân cần chủ động trong việc kê khai, nộp thuế TNCN đảm bảo sự minh bạch, góp phần vào sự ổn định và phát triển của hệ thống thuế quốc gia. 

Thu Hương