Trang chủ Tin tức Các khoản giảm trừ thuế TNCN - cập nhật mới nhất 2023

Các khoản giảm trừ thuế TNCN - cập nhật mới nhất 2023

Bởi: ecn.net.vn - 13/06/2023 Lượt xem: 1612 Cỡ chữ tru cong

Các khoản giảm trừ thuế TNCN bao gồm những khoản nào? Theo quy định hiện hành các khoản giảm trừ thuế TNCN gồm 03 khoản: khoản giảm trừ gia cảnh; khoản đóng BHXH; đóng góp từ thiện, khuyến học.

Các khoản giảm trừ thuế TNCN
Các khoản giảm trừ thuế TNCN- cập nhật mới nhất.

1. Căn cứ pháp lý để xác định các khoản giảm trừ thuế TNCN

Thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản thuế quan trọng cấu thành nguồn ngân sách nhà nước và chủ yếu đánh vào những cá nhân có thu nhập cao. Thuế TNCN là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác sau khi đã trừ đi các khoản thu nhập được giảm trừ (gọi là khoản giảm trừ thuế TNCN).
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN đối với cá nhân cư trú như sau:
“1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.”
Như vậy, các khoản giảm trừ thuế TNCN gồm có:

  • Giảm trừ gia cảnh: gồm giảm trừ cho bản thân người nộp thuế và giảm trừ cho người phụ thuộc;
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện;
  • Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Ngoài ra, tại các văn bản pháp lý như: Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 2/6/2020 sửa đổi bổ sung và hướng dẫn chi tiết về các khoản giảm trừ thuế TNCN.
>> Tham khảo: Hướng dẫn nộp bảng kê chứng từ khấu trừ thuế TNCN Online.

2. Chi tiết các khoản giảm trừ thuế TNCN

Các khoản giảm trừ thuế TNCN được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý. Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các khoản giảm trừ thuế TNCN theo quy định hiện hành.

2.1. Khoản giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN

Theo quy định tại Điều 19, Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi bổ sung tại Khoản 4, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân 2012 nêu rõ: Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

  • Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế
  • Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc

Theo quy định thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế.

Mức giảm trừ gia cảnh
Mức giảm giảm trừ gia cảnh năm 2023.

2.1.1. Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023

Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 được thực hiện theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ban hành ngày 2/6/2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

  • Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
  • Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

2.1.2. Người phụ thuộc

Căn cứ theo Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định người phụ thuộc bao gồm những đối tượng sau:

  • Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng (con chưa đủ 18 tuổi, hoặc đang đi học không có thu nhập hoặc bị khuyết tật không có khả năng lao động…)
  • Vợ hoặc chồng của người nộp thuế
  • Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ; cha chồng, mẹ chồng (hoặc cha vợ, mẹ vợ); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế
  • Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
  • Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng (theo quy định)
  • Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Điều kiện để trở thành người phụ thuộc theo đáp ứng điều kiện tại Điểm đ, Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013.

2.2. Khoản giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

Một trong các khoản giảm trừ quan trọng khi tính thuế TNCN là các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện.

Mức giảm trừ các khoản bảo hiểm
Mức giảm trừ đối với các khoản đóng các khoản bảo hiểm và đóng quỹ hưu trí tự nguyện.

2.2.1. Mức giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm

Mức giảm trừ theo tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm vào lương của người lao động:

  • Bảo hiểm xã hội: 8% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
  • Bảo hiểm y tế :1.5% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
  • Bảo hiểm thất nghiệp: 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

2.2.2. Mức giảm trừ các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện

Các khoản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện. Mức đóng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.
Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện cấp hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay). Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
>> Tham khảo: Thủ tục miễn giảm thuế TNCN.

2.3. Khoản giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Theo quy định tại Điều 13, Nghị định 65/2013/NĐ-CP và được hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 8, Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công được giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo vào thu nhập chịu thuế. Các khoản được giảm trừ bao gồm:

  • Khoản đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;
  • Khoản đóng góp vào các Quỹ từ thiện, Quỹ nhân đạo, Quỹ khuyến học.

Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo phát sinh vào năm nào thì được tính giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó, không được chuyển trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo.
Đồng thời mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học.
Trên đây là thông tin về các khoản giảm trừ thuế TNCN cần đặc biệt lưu ý. Trong trường hợp người lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp có thể ủy quyền quyết toán thuế cho đơn vị, doanh nghiệp nơi trả tiền lương, tiền công để đảm bảo việc tính thuế được đầy đủ, chính xác.
Ngoài ra, Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về phần mềm ECN - Chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử của Thaison Soft vui lòng liên hệ:
Hotline trung tâm hỗ trợ 24/7

  • Miền Bắc: 1900 4767
  • Miền Trung, Miền Nam: 1900 4768