Trang chủ Tin tức Hướng dẫn cách tính thuế TNCN lương NET đơn giản nhất

Hướng dẫn cách tính thuế TNCN lương NET đơn giản nhất

Bởi: ecn.net.vn - 16/01/2024 Lượt xem: 2145 Cỡ chữ tru cong

Thuế TNCN là một khoản bắt buộc mà mỗi người dân phải nộp cho Nhà nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ cách tính thuế TNCN như thế nào, đặc biệt là đối với những người nhận lương net. Bài viết dưới đây của ECN sẽ hướng dẫn cách tính thuế TNCN lương thực nhận (lương NET) đơn giản.

Cách tính lương NET
Hướng dẫn tính lương NET.

1. Lương NET là gì?

Hiểu đơn giản, lương NET là lương thực tế mà người lao động nhận được sau khi đã trừ các khoản như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
Đối với hình thức trả lương này, doanh nghiệp sẽ tự trích một phần lương của người lao động để đóng theo quy định.
Ví dụ: Công ty ký hợp đồng lao động với nhân viên A với mức lương NET là 10 triệu đồng/tháng. Như vậy, hàng tháng nhân viên A sẽ nhận về 10 triệu đồng. Các khoản tiền khác (bảo hiểm, thuế TNCN…) sẽ do công ty nộp.

2. Cách tính thuế TNCN lương NET như thế nào?

Để tính thuế TNCN lương NET, cần quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế. Theo quy định tại Phụ lục 02/PL-TNCN ban hành kèm Thông tư số 111/2013/TT-BTC, bảng quy đổi thu nhập được xác định như sau:

STT

Thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng (TNQĐ)

Thu nhập tính thuế

1

Đến 4,75 triệu đồng (trđ)

TNQĐ/0,95

2

Trên 4,75 trđ đến 9,25trđ

(TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9

3

Trên 9,25 trđ đến 16,05trđ

(TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85

4

Trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ

(TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8

5

Trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ

(TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75

6

Trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ

(TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7

7

Trên 61,85 trđ

(TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65

Bảng 1: Quy đổi thu nhập không bao gồm thuế ra thu nhập tính thuế

Trong đó, thu nhập làm căn cứ quy đổi được xác định theo công thức sau:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận (1) + Các khoản DN trả thay (2) - Các khoản giảm trừ (3).

  • (1) Thu nhập thực nhận: Là số tiền công, tiền lương không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.
  • (2) Các khoản doanh nghiệp trả thay: Là khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo quy định.
  • (3) Các khoản giảm trừ: Bao gồm một số khoản theo quy định như: giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, số tiền đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học…

Ví dụ:
Ông Nguyễn Văn A ký hợp đồng lao động với Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn với mức lương hàng tháng được trả là 20 triệu đồng. Ngoài tiền lương, công ty trả thay phí hội viên của CLB Bi-a 1 triệu đồng/tháng. Ông A phải đóng bảo hiểm bắt buộc 1,5 triệu đồng/tháng. Công ty Thái Sơn sẽ nộp thuế TNCN quy định thay cho ông A. Trong năm 2023, ông A chỉ được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân do không có người phụ thuộc, không phát sinh tiền từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Phần mềm hóa đơn điện tử.

Cách tính thuế TNCN lương NET của ông A như sau:
Bước 1: Xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi: 20 triệu đồng + 1 triệu đồng - (11 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 8,5 triệu đồng.
Giải thích:

  • Khoản tiền trừ 1,5 triệu đồng bảo hiểm là do ông A đóng BHXH không phải doanh nghiệp trả thay, tức là trừ vào lương của ông A rồi, nên sẽ phải trừ 1,5 triệu đồng khi xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi.
  • Trường hợp doanh nghiệp trả thay cho ông A khoản tiền BHXH này, thì sẽ vừa cộng vào thu nhập làm căn cứ quy đổi và đồng thời trừ ra. Khi này, thu nhập làm căn cứ quy đổi của ông A được tính như sau: Thu nhập làm căn cứ quy đổi = (20 triệu + 1 triệu + 1,5 triệu) - (11 triệu + 1,5 triệu) = 10 triệu đồng.

Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế:
Theo Bảng 1 ở trên, thu nhập tính thuế = (TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9 = (8,5 triệu - 0,25 triệu)/0,9 = 9,167 triệu đồng.
Bước 3: Xác định thuế TNCN ông A phải nộp theo công thức tính thuế rút gọn như sau:
Thuế TNCN mà ông A phải nộp = 9,167 triệu đồng x 10% - 0,25 triệu đồng = 0,6667 triệu đồng (tức là khoảng 667.000 VNĐ).

3. Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN với lương NET

Quyết toán thuế TNCN với lương NET
Quyết toán thuế TNCN.

Theo quy định tại Điều 7, Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng, được xác định dựa trên thu nhập tính thuế đã quy đổi.
Trường hợp cá nhân có thu nhập không bao gồm thuế từ nhiều tổ chức trả thu nhập thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế từng tháng tại các tổ chức trả thu nhập trong năm.
Ví dụ, ông A ở ví dụ trên ngoài thu nhập tại công ty Thái Sơn còn có hợp đồng tại công ty khác với mức lương là 12 triệu đồng/tháng. Công ty B cũng trả thay thuế TNCN cho ông A.
Như vậy, quyết toán thuế TNCN trong năm 2023 của ông A như sau:

  • Tại công ty Thái Sơn = 9,167 triệu x 12 tháng = 110,004 triệu đồng.
  • Tại công ty B = [(12 triệu đồng -0,75 triệu đồng)/0,85] x 12 tháng = 158,82 triệu đồng.
  • Tổng thu nhập chịu thuế của ông A tại 2 công ty trong năm 2023 = 110,004 triệu đồng + 158,82 triệu đồng = 268,824 triệu đồng.
  • Thu nhập tính thuế tháng = (268,824 triệu đồng : 12 tháng) - (11 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 9,902 triệu đồng.
  • Thuế TNCN phải nộp trong năm: (9,902 triệu đồng x 10% - 0,25 triệu đồng) x 12 tháng = 8,9924 triệu đồng.

Như vậy, bài viết trên đây đã hướng dẫn độc giả cách tính thuế TNCN lương NET một cách đơn giản nhất cùng những ví dụ trực quan dễ hiểu. Chỉ cần đọc kỹ bài viết, bạn sẽ có thể tự xác định được số tiền thuế TNCN phải nộp của mình. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả trong quá trình tính toán thuế TNCN.
Ngoài ra, Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về phần mềm ECN - Chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử của Thaison Soft vui lòng liên hệ:
Hotline trung tâm hỗ trợ 24/7

  • Miền Bắc: 1900 4767
  • Miền Trung, Miền Nam: 1900 4768