Trang chủ Tin tức Lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN - cập nhật mới nhất

Lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN - cập nhật mới nhất

Bởi: ecn.net.vn - 09/08/2023 Lượt xem: 1206 Cỡ chữ tru cong

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp trong một phần tiền lương, hoặc từ các nguồn thu khác vào ngân sách nhà nước sau khi đã được giảm trừ. Vậy lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN? mức này sẽ khác khau tùy thuộc vào từng đối tượng.

Lương bao nhiêu phải đóng thuế TNCN
Tìm hiểu lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN.

1. Các khoản thu nhập đóng thuế từ tiền lương tiền công

Không phải khoản thu nhập nào cũng thuộc thu nhập chịu thuế TNCN, do đó người lao động cần phân biệt thu nhập chịu thuế TNCN với các khoản thu nhập được giảm trừ và thu nhập không tính thuế TNCN.
Quy định tiền lương, tiền công (là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động) thuộc thu nhập chịu thuế TNCN căn cứ theo:

  • Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành ngày 21/11/2007
  • Điều 3, Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013
  • Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/08/2013

Cụ thể gồm có:

  • Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: trợ cấp phụ cấp cho người có công, trợ cấp phụ cấp an ninh quốc phòng/lực lượng vũ trang, trợ cấp phụ cấp ngành nghề độc hại nguy hiểm, trợ cấp phụ cấp khu vực, trợ cấp khó khăn đột xuất từ chế độ BHXH, trợ cấp phụ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, đối với lãnh đạo cấp cao..
  • Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
  • Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị doanh nghiệp, ban kiểm soát doanh nghiệp, ban quản lý dự án, hội đồng quản lý, các hiệp hội, hội nghề nghiệp và các tổ chức khác.
  • Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức như: Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có); Khoản tiền phí mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động đối với những sản phẩm bảo hiểm có tích lũy về phí bảo hiểm; Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ…
  • Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây: Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng; Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận; Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý:
Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản như: Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động; Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn; Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần…
>> Tham khảo: Thuế TNCN bậc thang là gì? Hướng dẫn tính thuế TNCN theo biểu thuế bậc thang.

2. Mức lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN

Để biết mức lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN cần căn cứ vào khoản thu nhập tính thuế và các khoản giảm trừ. Cụ thể mức thuế thu nhập cá nhân được tính như sau:

Thuế thu nhập cá nhân cần nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó:
(1): Thu nhập tính thuế = Thu nhập phải chịu thuế - các khoản giảm trừ.
(2): Thu nhập phải chịu thuế = Tổng tiền lương nhận được - Các khoản được miễn thuế.

Cách tính thuế TNCN
Thuế TNCN cần nộp bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.

Như vậy, người lao động chỉ phải đóng thuế khi mức thu nhập tính thuế dương tương đương với phần thu nhập chịu thuế phải lớn hơn các khoản giảm trừ.

2.1. Mức lương bao nhiêu đóng thuế TNCN

Hiện nay mức lương tính đóng thuế TNCN sau khi trừ đi các khoản giảm trừ (hay thu nhập tính thuế) đối với cá nhân cư trú được căn cứ theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 19, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007. Cụ thể:

Bậc

Thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất

1

Đến 05

5 %

2

Trên 05 đến 10

10 %

3

Trên 10 đến 18

15 %

4

Trên 18 đến 32

20 %

5

Trên 32 đến 52

25 %

6

Trên 52 đến 80

30 %

7

Trên 80

35 %

Để biết chính xác mức lương bao nhiêu phải đóng thuế cần biết mức thu nhập tính thuế và mức giảm trừ gia cảnh.

2.2. Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023

Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản giảm trừ. Căn cứ theo Khoản 1, Điều 7, Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 (sửa đổi tại Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản giảm trừ khi tính thuế TNCN đối với cá nhân cư trú gồm các khoản:

  • Các khoản giảm trừ gia cảnh
  • Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Hiện mức giảm trừ gia cảnh vẫn được thực hiện theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 02/6/2020 như sau:

  • Đối với bản thân người nộp 11 triệu/ tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm)
  • Đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu tiền lương người lao động được trả là khoản tiền sau khi trừ đi các khoản được miễn thuế và không có nguồn thu nhập chịu thuế TNCN khác ta có:

  • Trường hợp không có người phụ thuộc thì tiền lương phải đóng thuế thu nhập là lớn hơn (>) 11 triệu đồng/tháng.
  • Trường hợp có 2 người phụ thuộc thì mức lương lớn hơn (>)15,4 triệu đồng phải đóng thuế TNCN.

Tương tự số người phụ thuộc và mức lương phải đóng thuế TNCN được tính trong bảng sau:

STT

Người phụ thuộc

Thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công/tháng

Thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công/tháng

1

Không có người phụ thuộc

>11 triệu đồng

>132 triệu đồng

2

Có 1 người phụ thuộc

>15,4 triệu đồng

>184,8 triệu đồng

3

Có 2 người phụ thuộc

>19,8 Triệu đồng

>237,6 triệu đồng

4

Có 3 người phụ thuộc

>24,2 triệu đồng

>290,4 triệu đồng

5

Có 4 người phụ thuộc

>28,6 triệu đồng

>343,2 triệu đồng

Có thể thấy số người phụ thuộc càng nhiều thì mức lương để đóng thuế TNCN càng cao đảm bảo cho mức sống tối thiểu của cá nhân. Thuế TNCN là một công cụ giúp Nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô giảm đi sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội.
Bài viết “Lương bao nhiêu thì đóng thuế TNCN” hy vọng cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc, từ đó có thể tính toán mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng của mình. Trường hợp người lao động có nhiều nguồn thu nhập  ngoài tiền lương tiền công thì cần xem xét kỹ lưỡng các nguồn thu nhập này có nằm trong thu nhập chịu thuế TNCN hay không, áp dụng thuế suất tương ứng với từng khoản thu nhập sau đó tính mức thuế phải nộp.
Ngoài ra, Quý khách có nhu cầu tìm hiểu thêm thông tin về phần mềm ECN - Chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử của Thaison Soft vui lòng liên hệ:
Hotline trung tâm hỗ trợ 24/7

  • Miền Bắc: 1900 4767
  • Miền Trung, Miền Nam: 1900 4768